Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2018 đạt kỷ lục 15,5 triệu lượt, tăng 19,9% so với năm 2017.
Sự phát triển của du lịch giúp nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng tại các thành phố du lịch trọng điểm (Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hạ Long) tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây. So với cuối năm 2015, nguồn cung căn hộ du lịch (condotel) hiện tại ở Nha Trang (Khánh Hòa) đã tăng hơn 5 lần, ở Đà Nẵng đã tăng hơn 13 lần.
Nguồn cung mới trong năm 2018 giảm so với năm 2017 phần nào do ảnh hưởng bởi việc Quốc hội hoãn xem xét thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, cũng như việc kiểm soát chặt chẽ hơn quy trình cấp phép dự án ven biển. Tuy nhiên, nguồn cung mới trong 3 năm tới vẫn đang khá dồi dào.
Về thanh khoản, tại 3 điểm nóng Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, tỷ lệ hấp thụ tích lũy hiện đạt hơn 80%. Giá bán từ chủ đầu tư, tuy phụ thuộc nhiều vào vị trí, cũng có xu hướng tăng trong năm 2018, nhưng không phải tăng “ảo” như cơn sốt đất tại Phú Quốc, Vân Đồn thời gian qua.
Trong tương lai, tăng trưởng ngành du lịch có thể được tiếp tục dẫn dắt bởi tăng trưởng giao thương và sự cải thiện hơn nữa về cơ sở hạ tầng, qua đó góp phần thúc đẩy phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng phát triển.
Với tiềm năng của thị trường Việt Nam, có một dòng vốn lớn từ nước ngoài cũng như nội địa đang săn đón quỹ đất phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng, do đó dự kiến phân khúc này sẽ trở nên sôi động hơn trong tương lai.
Ở miền Bắc, với việc thông cầu Bạch Đằng vào tháng 9/2018 và cao tốc Hạ Long – Vân Đồn cũng như Sân bay Vân Đồn cuối năm 2018, bất động sản nghỉ dưỡng Vân Đồn (Quảng Ninh) sẽ thu hút thêm nhiều sự quan tâm trong thời gian tới.
Ở Khánh Hòa, trong 3 năm tới, khu vực Phạm Văn Đồng và Bãi Dài sẽ là những điểm nóng. Tại Phú Quốc, làn sóng tiếp theo sẽ diễn ra ở Bắc đảo (nơi có casino đầu tiên cho phép người Việt vào chơi), cũng như khu vực phía Nam sân bay.
Ở Đà Nẵng, khu vực quận Sơn Trà cũng như khu vực gần Hội An (Quảng Nam) sẽ là điểm nóng trong tương lai.
Gia tăng kết nối khiến việc lan tỏa dự án đến những địa phương mới như Sapa (Lào Cai), Quảng Bình, Quy Nhơn (Bình Định) trở nên khả thi hơn. Ngoài ra, trong thời gian tới, khi quỹ đất dành cho dự án nghỉ dưỡng ven biển hạn hẹp dần, bất động sản ở các địa phương miền núi có thể trở thành điểm nóng. Tuy nhiên, dự án ở miền núi cần được phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên, không thể cứ gượng ép áp dụng những mô hình như condotel cao tầng.
Những chủ đầu tư thành công chính là những đơn vị xét đến không chỉ nguồn cầu mua sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, mà cả nguồn cầu thuê phòng khi dự án đi vào vận hành. Nhằm tạo điểm nhấn và thu hút cả hai nguồn cầu này, các dự án mới có thể xem xét sử dụng những đơn vị quản lý chưa có mặt tại Việt Nam, hoặc những tên tuổi “boutique” hơn với thiết kế/concept mới lạ.
Nguyễn Trọng Thức (Quản lý cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển, CBRE Vietnam)