Sáng 31/8, Tổ chức WWF tại Việt Nam, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng tổ chức công bố và đón nhận danh hiệu “Đà Nẵng-thành phố xanh quốc gia của Việt Nam năm 2018. Chương trình Thành phố Xanh Quốc tế là một sáng kiến của WWF (World Wide Fun for Nature – Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới) nhằm kêu gọi các thành phố trên khắp thế giới hãy hành động và hướng tới một hành tinh tương lai thân thiện với môi trường đồng thời xây dựng và thực hiện các kế hoạch đầy tham vọng để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn (bên phải) đón nhận danh hiệu thành phố xanh quốc gia cho Đà Nẵng
Năm nay có 132 thành phố đến từ 23 quốc gia trên thế giới dự thi Thành phố Xanh Quốc tế, trong đó Việt Nam có thành phố Đà Nẵng, Đông Hà và Hội An tham gia và cả 3 đã vượt qua vòng loại cùng 37 thành phố khác trên toàn cầu.
Tham gia cuộc thi, Đà Nẵng đã gây ấn tượng với Ban giám khảo bởi các giải pháp tiếp cận toàn diện và tham vọng về thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu nhằm góp phần thực hiện mục tiêu mà Thoả thuận Khí hậu Paris 2015 đặt ra. Giảm 25% lượng phát thải các-bon vào năm 2030, so với mức phát thải 2016, là cam kết mà thành phố đưa ra khi tham gia cuộc thi.
Đà Nẵng xanh có sông Hàn
Để thực hiện điều này, trong thời gian qua, Đà Nẵng đã triển khai nhiều sáng kiến tập trung vào năng lượng sạch như lắp đặt các hệ thống pin năng lượng mặt trời, sử dụng xăng sinh học, đặc biệt một nhà máy chế biến rác thải đô thị thành năng lượng đang được khởi xướng xây dựng; hay phát triển giao thông xanh như dự án xe buýt nhanh, đi xe chung; và phát triển hệ thống xử lý nước thải trên toàn thành phố.
Có lá phổi xanh Sơn Trà
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: “Những nỗ lực của thành phố và người dân được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Từ năm 2008, UBND thành phố đã ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường”, trong đó các mục tiêu, tiêu chí Đề án cũng đã tính đến mục tiêu “Thành phố xanh” mà Quốc tế đang hướng đến. Dù chặng đường còn dài và nhiều thách thức, nhưng Đà Nẵng đã cam kết hành động quyết liệt vì một cuộc sống xanh, bền vững và thịnh vượng cho người dân, qua đó góp phần vào công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu mà cả thế giới đang thực hiện.”
Trong khi đó, ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia WWF-Việt Nam chia sẻ: “WWF-Việt Nam vui mừng với những gì thành phố Đà Nẵng đạt được. Cùng với Huế, Đà Nẵng có thể trở thành những thành phố tiên phong và truyền cảm hứng cho các thành phố khác trong cả nước về phát triển xanh và bền vững. Là một quốc gia đang và sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, những gì thành phố đang làm cần được khích lệ và nhân rộng trên toàn quốc. WWF tự hào được đồng hành cùng với chính quyền và người dân thành phố trong hành trình phát triển này.”
Và đang tăng cường phủ dày mật độ cây xanh đô thị
Hiện nay, theo đánh giá của WWF, hơn 50% dân số trên thế giới sống tại các khu vực thành thị và xu hướng này vẫn đang gia tăng nhanh chóng. Dự đoán, tới năm 2050 số người sống tại các thành phố sẽ lên tới 6 tỷ người, từ mức 3.5 tỷ người hiện nay. Bên cạnh đó, khu vực đô thị cũng tạo ra 70% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Chính vì vậy, các Thành phố Xanh quốc tế và quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một tương lai xanh và bền vững cho toàn cầu và WWF luôn nỗ lực song hành cùng họ để đạt được mục tiêu này.
Hà Minh
Nguồn: Báo đầu tư